Chiều 15/11, các khu dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).
Chiều 15/11, các khu dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, thấm đẫm trong trái tim, tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Sức mạnh đại đoàn kết được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, thiên tai, dịch bệnh.
Một tiết mục múa hát trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ chỗ chỉ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến chỗ thấy được tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Trải qua các giai đoạn, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 làm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được thể chế hóa, được quy định tại Chương I, Điều 11 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: “Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Từ đó đến nay, hằng năm việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư đã nhân lên tinh thần cộng đồng trách nhiệm ở mỗi khu dân cư, là dịp để tập hợp, phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các phong trào, các cuộc vận động được tổ chức sôi nổi, rộng khắp tại các khu dân cư, đã giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự đã trở thành ngày hội toàn dân, là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất. Với nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng hiệu quả, thúc đẩy thực hành dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cũng thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, là dịp để mỗi người dân thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bài học vô giá của sức mạnh đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, từ đó góp phần thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng, góp phần nhỏ bé để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Trải qua các giai đoạn, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc: Hội Phản đế Đồng minh (11/1930 - 3/1935), Hội Phản đế Liên minh (3/1935 - 10/1936), Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (11/1940 - 5/1941), Mặt trận Việt Minh (5/1941 - 3/1951), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (5/1946 - 3/1951), Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt) (3/1951 - 9/1955), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9/1955 - 2/1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12/1960 - 2/1977), Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (4/1968 - 2/1977). Từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.